Magnus Carlsen - Vachier-Lagrave: trận chiến của ELO ngưỡng 2900

Magnus Carlsen - Vachier-Lagrave
Carlsen giành chiến thắng thuyết phục ở giải đấu kết thúc 03/07/2017

Và đây là video ván đấu:


Sự tinh vi của Magnus Carlsen trong trận thắng Vachier-Lagrave


Một kỳ thủ đẳng cấp có thể tính trước 10 nước cờ, nhưng Carlsen thậm chí còn lên kế hoạch cho cả ván đấu, thể hiện qua chiến thắng mới đây tại Grand Chess Tour 2017.

“Trong khi mọi đối thủ đều chơi cờ chớp, anh ta cứ như thể vẫn chơi cờ tiêu chuẩn”, huyền thoại Garry Kasparov đã nói như vậy về chức vô địch của Carlsen tại giải đấu vừa kết thúc ở Leuven (Bỉ). Ván đấu hấp dẫn nhất giải thuộc về hai kỳ thủ có hệ số elo cao nhất thế giới ở nội dung cờ chớp: Magnus Carlsen (elo 2.899) và Maxime Vachier-Lagrave (2.890).

Phân tích một ván cờ chớp không có nhiều ý nghĩa về chuyên môn, khi các kỳ thủ chỉ có 3 phút (+2 giây cho mỗi nước đi). Tuy nhiên, như lời thán phục từ cựu vua cờ Kasparov, Carlsen đã tạo ra một ván đấu có chất lượng giống như anh có hàng giờ đồng hồ suy nghĩ.

Carlsen xuất hiện muộn vài giây và đồng hồ của anh cũng đã bắt đầu đếm ngược. Tuy nhiên, kỳ thủ này vẫn bình thản ngồi xuống ghế, thậm chí còn dùng tay chỉnh lại cả 16 quân cờ của mình cho ngay ngắn, rồi mới bắt đầu nước đi đầu tiên.

“Vua cờ” người Na Uy sử dụng khai cuộc Anh (1.c4), một phương án triển khai quân khá quen thuộc giữa những kỳ thủ hàng đầu. Tuy nhiên, Carlsen quyết định đi theo phong cách tự do với 4.g4. Đòn thí tốt g4 của anh chắc chắn khiến Vachier-Lagrave phải bất ngờ, song đó chỉ là màn dạo đầu cho hàng loạt những nước cờ quái kiệt mà Trắng đã tạo ra trong ván đấu đó. Thông điệp từ Carlsen khá rõ ràng: Trắng không cần nhập thành và muốn tấn công áp đảo.

“Quái thú thành Lyon” Vachier-Lagrave không đồng ý bắt tốt của trắng với 4…Ng4, mà thay vào đó là 4…Bb4. Nhưng dường như Magnus Carlsen thực sự muốn mở cột g để tấn công như đã dự tính ngay từ trước ván đấu. Sau 5.g5 để đuổi mã, Trắng đi tiếp 7.d4, mà không quan tâm đến sự “sống chết” của tốt ở g5. Lần này, kỳ thủ số một nước Pháp đã không từ chối với 7…Qxg5.

Mục đích của Trắng khi đẩy tốt ở cột d lên không phải để chiếm khu trung tâm, mà Carlsen muốn đưa nó đến ô d6, nhằm ngăn cản xe đen ở a8 và tượng đen ở c8 tham gia vào cuộc chơi. Sau 9.d6, máy tính khẳng định đen có chút lợi thế, bởi các tốt của trắng đều khá rời rạc, cộng thêm cặp tốt chồng c3-c4, trong khi các quân đều chưa hề được phát triển. Nhưng trên thực tế, d6 chính là nước cờ mấu chốt mà Magnus Carlsen muốn thực hiện, trong kế hoạch làm chủ ván đấu.

“Đã từ bỏ khả năng nhập thành ngay từ những nước đi đầu tiên, tôi chỉ còn cách là phải tấn công. Thứ vũ khí quan trọng nhất của tôi là quân tốt ở d6. Không có nó, kế hoạch của tôi là vô nghĩa,” kỳ thủ 27 tuổi phân tích. Kể từ đó, Trắng dần bắt đầu triển khai quân với 10.Nf3, 11.Rg1. Để mở đường cho tượng, Carlsen còn “mơi” thêm một đòn thí tốt với 12.e4. Lúc này đường chéo c1-h6 đã được mở, còn quân tượng còn lại cũng sẵn sàng nhảy lên d3 để chiếm thêm đường b1-h7. Trắng muốn đưa toàn bộ binh lính vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.

Để tạo trận đánh hiệu quả triệt để, một trong những chiến thuật quan trọng là loại bỏ quân phòng thủ tốt nhất của đối phương, trong trường hợp này là mã đen ở e6. Carlsen đã thành công với 14.Ng5 và 15.Bxf4, đổi lấy quân tượng khá mạnh của mình. Ngay sau đó, anh tiếp tục bộc lộ sự thú vị với ý đồ thí quân tốt thứ ba, thông qua 16.Rg4. Nhưng Vachier-Lagrave đủ khôn ngoan hiểu rằng lợi thế hai tốt là quá đủ. Nếu tham lam với 16…Qh2, Hậu đen sẽ bị loại ra khỏi vòng chiến đấu. Dẫu sao, Đen vẫn liên tục phải di chuyển Hậu để né những đòn đuổi đánh từ Carlsen.

Sau khi đã đưa Hậu xuất trận với 18.Qf3, Trắng đã tiếp tục thí xe với 19.Rg7, với mục đích đặt mã vào ô f6. Quả thực, sau 20.Nxf6+ Kd8, lợi thế giờ đã nghiêng hẳn về Carlsen, cho dù đang thiệt chất và một tốt. Bởi lẽ, hai xe đen đều bế tắc, tượng không có đường phát triển và vua cũng hết đường đi. Trắng lúc này chỉ việc triển khai quân vào những vị trí trọng yếu.

Biên bản ván đấu: 1. c4 e5 2. e3 Nf6 3. Nc3 Nc6 4. g4 Bb4 5. g5 Bxc3 6. bxc3 Ng8 7. d4 Qxg5 8. d5 Nd8 9. d6 c6 10. Nf3 Qf5 11. Rg1 Ne6 12. e4 Qxe4+ 13. Be3 Qf5 14. Ng5 Nf4 15. Bxf4 Qxf4 16. Rg4 Qf6 17. Ne4 Qh6 18. Qf3 Nf6 19. Rxg7 Qxg7 20. Nxf6+ Kd8 21. Qf5 Re8 22. Nxe8 Kxe8 23. c5 b5 24. Bd3 f6 25. Ke2 Kf7 26. Rh1 Rb8 27. Kf1 Qg6 28. Qf3 Qh6 29. Rg1 Ba6 30. Qg4 Rd8 31. Rg3 e4 32. Qxe4 Re8 33. Qg4 Bc8 34. Kg2 Qg5 35. Qf3 Qd5 36. Qxd5+ cxd5 37. Bxh7 Re5 38. f4 Re2+ 39. Kf1 Rxh2 40. Bg8+ Kf8 41. Bxd5 Rh8 42. Kf2 Ba6 43. Ke3 Ke8 44. Kd4 Kd8 45. Rg7 Bc8 46. c6 dxc6 47. Bxc6 a5 48. Kc5 1-0

Giải thích ký hiệu cơ bản: Vua - K, Hậu - Q, Xe - R, Tượng - B, Mã – N, Tốt – Không kí hiệu, x - ăn quân, + - chiếu, 0-0 - Nhập thành. Ví dụ: 12. e4 Qxe4+ – Trắng đi tốt đến ô e4, Đen đưa Hậu đến ăn quân ở ô e4 và chiếu.

Không còn đường lùi, Đen chấp nhận hy sinh xe để mở đường máu cho vua với 21…Re8 22.Nxe8 Kxe8, trong khi Carlsen có thêm những phương án triển khai quân cơ bản. Đầu tiên là gia cố sức mạnh cho tốt ở d6 với 23.c5, sau đó đưa tượng lên d3, nhưng nghệ thuật mà các chuyên gia cũng như giới phân tích cờ phải thán phục ở đây chính là khoảng 5 nước đi tiếp theo của Trắng, cũng là những đòn đánh quyết định.

Không ai nghĩ rằng Carlsen sẽ triển khai quân với 25.Ke2 26.Rh1, 27.Kf129.Rg1, những nước đi khá kỳ dị và có vẻ như tốn thời gian, nhưng điều quan trọng là Trắng đã đạt được mục đích cuối cùng, đó là chiếm lấy cột mở duy nhất (cột g). Cái cách Carlsen cho xe “nấp” tạm ở ô h1 để chờ vua đến hỗ trợ thậm chí còn nằm ngoài phân tích của máy tính. Những nước đi này tuy nhẹ nhàng và khoan thai, nhưng nguy hiểm như một cú đâm chí mạng. Đại kiện tướng Jan Gustafsson phân tích: “Sau khi Carlsen đi nước cờ bí ẩn 26.Rh1, tôi thậm chí còn không hiểu ý đồ của anh ta là gì. Mọi thứ chỉ rõ ràng sau 27.Kf1, thật là một thủ đoạn tinh vi!”

Đến lúc đó, “Vua cờ” đến từ Na Uy có đủ mọi lợi thế để khiến Vachier-Lagrave không còn cơ hội gượng dậy và phải đầu hàng sau 48 nước đi. Đặt tốt vào d6 và làm chủ cột g, Carlsen đã tính trước được thế cờ này ngay từ trước khi anh ngồi vào ghế, ấn tượng hơn, điều đó diễn ra trong một ván cờ chớp.

[Xuân Bình - VnExpress]