5 kỳ thủ Cờ Vua vĩ đại nhất thế giới

Garry Kasparov được mệnh danh là Vua cờ của mọi thời đại và dẫn đầu danh sách những kỳ thủ vĩ đại nhất thế giới.

Kasparov - Karpov
Cặp kỳ phùng địch thủ Kasparov - Karpov

Garry Kasparov, Nga (1963)

Không một kỳ thủ nào duy trì vị trí số 1 hay xuất sắc như Garry Kasparov. Ông là kỳ thủ trẻ nhất vô địch thế giới năm 1985 khi mới 22 tuổi và Kasparov đã giữ vị trí này cho đến năm 1993 khi FIDE để ông thành lập một tổ chức cờ của riêng ông (PCA). Về danh nghĩa, coi như Kasparov đã mất danh hiệu vô địch thế giới, trong khi làng cờ vẫn xem ông là số 1 cho đến lúc ông thua Kramnik vào năm 2000. Tính ra, Kasparov đã giữ vị trí số 1 gần như liên tục từ năm 1986 tới khi ông giải nghệ vào năm 2005, đạt hệ số Elo cao nhất là 2851, cũng như kỷ lục 15 lần chiến thắng.

Trước Kasparov, vị trí số 1 thuộc về Anatoly Karpov. Trong các cuộc đối đầu giữa hai người, Kasparov thua năm 1984 nhưng thắng lại vào năm 1985 và bảo vệ thành công trong 3 lần sau đó.

Kasparov còn nổi tiếng với các cuộc đấu với máy tính. Thực chất đây là cuộc đối đầu của ông với hàng trăm chuyên gia lập trình và nhiều cựu vô địch cờ vua thế giới. Năm 1989, sau khi Kasparov chật vật vượt qua một đối thủ máy tính, 7 năm sau hãng giới thiệu Deep Blue, máy tính được miêu tả là "nhạy cảm như người và thông minh gấp ngàn lần người".

Deep Blue có hệ thống cơ sở dữ liệu chứa tất cả các nước đi của những đại kiện tướng thế giới trong vòng 100 năm qua và có thể đưa ra hàng trăm ngàn phương án triển khai quân khác nhau mỗi giây. Kasparov chỉ thua ván 1 và thắng liền 2 ván sau đó khi phát hiện Deep Blue hóa giải được những nước đi thông thái nhất, nhưng lại bó tay trước những nước đi vô nghĩa.

Một năm sau, IBM trở lại thách đấu và sản phẩm của họ lúc này là Deeper Blue đã thắng Vua cờ. Năm 2003, IBM tung ra Deep Junior, một máy tính có thể lập phương án cho 3 triệu nước đi trong 1 giây. Nằm trong cơ sở dữ liệu của Deep Junior là tất cả những gì mà loài người biết được về cờ vua, từ một ván đấu bình thường đến những cuộc đối đầu siêu hạng. Kết quả Deep Junior và Kasparov hòa 3-3.

Hiện nay, Kasparov đã chuyển sang hoạt động chính trị, nhưng vẫn là giảng viên của những lớp học về cờ vua mỗi khi được mời.

Anatoly Karpov, Nga (1951)

So với Kasparov, Karpov vô địch thế giới từ 1975-1985, rồi 1993-1999 (đang còn tranh cãi) và cho đến giờ, ông vẫn tham gia các giải đấu.

Karpov học chơi cờ từ năm lên 4 và đến năm 15 tuổi, ông đã là đại kiện tướng Liên Xô. Năm 1969, ông giành chức vô địch giải cờ vua trẻ thế giới và đến năm 1974, ông gây bất ngờ khi đánh bại Korchnoi, Spassky để giành quyền thách đấu với Fischer. Karpov trở thành nhà vô địch thế giới sau đó và trong sự nghiệp, ông đã 9 lần bảo vệ thành công danh hiệu này. Đỉnh cao chính là cuộc đối đầu với Kasparov năm 1984 khi họ đánh 48 ván (5 thắng, 3 thua, 40 hòa). Cuộc so tài này đã khiến cả hai kiệt sức, trong đó Karpov sụt 10kg chỉ trong 5 tháng.

Sau khi Kasparov rời FIDE và thành lập liên đoàn cờ của riêng mình, Karpov được xem là nhà vô địch thế giới không chính thức, trước khi ông từ bỏ danh hiệu này vào năm 1999 để phản đối các điều luật mới của FIDE.

Emanuel Lasker, Đức (1868-1941)

Lasker đã có 27 năm thống trị làng cờ vua và cho đến nay, đấy là khoảng thời gian dài nhất của một nhà vô địch thế giới. Ông chính là người đi tiên phong trong việc đưa cờ vua trở thành một môn thể thao chuyên nghiệp, nghĩa là có thù lao cho mỗi lần thi đấu.

Năm 1889, Lasker bắt đầu ghi dấu ấn của mình khi giành chức vô địch ở một số giải đấu và đến năm 1894, ông có cơ hội giành danh hiệu thế giới từ tay Steinitz, đối thủ ông đã có 10 ván thắng, 5 thua và 4 hòa. Chiến thắng này đã mở đầu cho 27 năm giữ vị trí số 1 của Lasker, trước lúc ông bị Capablanca đánh bại năm 1921. Về sau, Lasker nhập quốc tịch Nga và nhiều kỳ thủ Nga xem ông là người có ảnh hưởng rất lớn đối với họ.

Wilhelm Steinitz, Áo (1836-1900)

Wilhelm Steinitz đã có 8 năm giữ vị trí số 1 (1886-1894) nhưng người ta cũng nhắc đến ông như vì những đóng góp cho sự phát triển của cờ vua hiện đại. Năm 1873, Steinitz giới thiệu phong cách chơi vị trí mới, hoàn toàn khác xa so với lối chơi tấn công truyền thống. Nhiều người chê ông là nhát gan nhưng đến đầu những năm 1890, phong cách này được áp dụng phổ biến.

Năm 1866, ông đánh bại Adolf Andersson để trở thành nhà vô địch thế giới và trong 8 năm kế tiếp, ông đã bảo vệ thành công danh hiệu này, trước khi thua Emanuel Lasker vào năm 1894. Chỉ có điều, năm 1900, ông đã qua đời trong nghèo đói.

Jose Capablanca, Cuba (1888-1942)

Capablanca giữ danh hiệu thế giới từ 1921-1927 và được đánh giá là một trong những kỳ thủ vĩ đại nhất thế giới. Ông học chơi cờ từ năm 4 tuổi và năm 13 tuổi, ông suýt thắng nhà vô địch Cuba.

Tại giải cờ vua San Sebastian 1911, Capablanca gây bất ngờ cho tất cả khi giành 6 ván thắng, 1 ván thua và hòa 7. Ông được xem là đối thủ thách đấu với Emanuel Lasker nhưng rồi ông đã từ chối 17 điều được xem là có lợi thế cho Lasker. Đến năm 1921, họ thỏa thuận thành công và Capablanca giành chức vô địch mà không thua một ván nào. Sau đó, Capablanca chuẩn hóa luật giải vô địch thế giới, hay còn gọi là luật London.

Năm 1922, ông đã thi đấu với 103 đối thủ, thắng 102 và hòa 1. Tuy nhiên, sau khi để mất chức vô địch thế giới vào tay Alexander Alekhine năm 1927, Capablanca sa sút và phải giải nghệ vào năm 1931. Năm 1934, ông có trở lại thi đấu nhưng không có một cơ hội nào khác để giành lại vị trí số 1 của mình.

Ý kiến người viết bài: danh sách trên thiếu Bobby Fischer quả là 1 thiếu sót, có nhiều lần xem lại các ván đấu của ông mình thấy thích lối đánh hiếu chiến của ông. Tấn công, chủ động dù cầm quân đen. Thời ông gần như không có đối thủ xứng tầm!

[Theo VnExpress]